
4 cách để các thương hiệu tối ưu hóa ngân sách tiếp thị trong suy thoái kinh tế
Tuesday 1st of November 2022
Nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới đã chứng kiến mức lạm phát tồi tệ nhất trong thập kỷ này, và dù Việt Nam hiện vẫn kiểm soát rất tốt giá trị đồng tiền, không ai có thể đoán trước được điều gì, cũng tương tự như câu chuyện đại dịch Covid-19 mà hơn bất cứ ai, chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm.
Với lạm phát cao hơn dự kiến, các điều kiện tài chính toàn cầu đã trở nên thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2022. Lạm phát được dự đoán lần lượt đạt 6,6% và 9,5% ở các thị trường tiên tiến và mới nổi. Theo Liên Hợp Quốc , những con số này được dự báo sẽ còn ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Sự xáo trộn gần đây trên thị trường công và tư đã cho thấy rõ ràng rằng các doanh nghiệp không thể phát triển nếu không có sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả về vốn. Dưới đây là bốn chiến lược giúp tối ưu hóa ngân sách tiếp thị mà các marketer và thương hiệu của mình nên tham khảo để có phản ứng thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau có thể xảy đến trong thời gian tới.
Tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng
“Tăng trưởng bằng mọi giá” không phải là một lựa chọn khả thi cho các thương hiệu muốn đạt được sự tăng trưởng bền vững. Bằng cách đầu tư nguồn lực vào việc thu hút và giữ chân những khách hàng sẵn có, các thương hiệu có thể thúc đẩy LTV cao hơn và tăng doanh thu theo cách có thể dự đoán được, ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái.
Cách hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng là tăng số lượng phiên hoạt động trên mỗi khách hàng. Cụ thể, khi số lượng phiên hoạt động tăng lên, tỷ lệ giữ chân cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Sau hai phiên hoạt động, tỷ lệ giữ chân khách hàng tăng lên đáng kể. Những chiến lược nuôi dưỡng lòng trung thành như thế này vốn đã và đang được nhiều thương hiệu - từ tầm trung đến cao cấp - áp dụng thành công.
Để đảm bảo khách hàng tích cực quay lại ứng dụng dành cho thiết bị di động hoặc trang web của bạn sau phiên trải nghiệm đầu tiên của họ, thương hiệu cần tạo ấn tượng ban đầu mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc mang đến trải nghiệm đăng ký tài khoản mới/ thanh toán lần đầu phải được cá nhân hóa và phù hợp nhất có thể.
Sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất
Một trong những hạn chế lớn nhất của dữ liệu bên thứ ba là cookie - yếu tố bị xem là mối đe dọa hàng đầu đến quyền riêng tư và tính minh bạch. Không ngạc nhiên khi các nhà quản lý đều xem xét khai tử cookie, với lộ trình của ông lớn Google là vào năm 2024.
Thông tin này có phần khiến các marketer đau đầu trong việc hoạch định chiến lược tiếp thị phù hợp khi mất đi nguồn thu thập dữ liệu khách hàng. Đáng mừng thay, dữ liệu bên thứ nhất đang ngày càng chứng minh là lựa chọn thay thế phù hợp, thậm chí nếu mục tiêu của bạn là giữ chân khách hàng và tăng LTV, dữ liệu bên thứ nhất đáng tin cậy hơn nhiều. Dưới đây là một số gợi ý tuyệt vời mà các nhà tiếp thị có thể làm với dữ liệu của bên thứ nhất:
Đề xuất các sản phẩm liên quan trong quá trình thanh toán để tăng AOV
Dựa trên hành vi mua hàng của các phân khúc khách hàng khác nhau, thương hiệu có thể tạo nhóm sản phẩm thường được thêm vào cùng một giỏ hàng. Thông tin này có thể được sử dụng để tạo phần “Sản phẩm được đề xuất” trong quá trình thanh toán, giúp bạn tăng giá trị đơn hàng trung bình (AOV) và thúc đẩy hành vi tái mua hàng.
Hiểu sâu hơn về sở thích của khách hàng
Dữ liệu của bên thứ nhất sẽ giúp bạn hiểu khách hàng thích gì, họ quan tâm đến điều gì, khi nào họ muốn nhận thông tin từ thương hiệu của bạn, khi nào họ có nhiều khả năng hoạt động và hơn thế nữa. Độ chính xác của thông tin chi tiết về sở thích của khách hàng, sở thích kênh, thời điểm tốt nhất để giao tiếp và xu hướng hành vi sẽ xác định ROI của các hoạt động tương tác, giữ chân khách hàng và thúc đẩy doanh thu cho thương hiệu của bạn.
Tăng cường các trải nghiệm mang tính cá nhân hóa
Điều gì sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu hơn, gửi những thông điệp và ưu đãi không liên quan sở thích của họ hay không gửi thông tin nào? Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, việc không nhận được email quảng cáo nào vẫn thoải mái hơn là liên tục bị spam những mẩu quảng cáo không có ích.
Chìa khóa để tạo ra những thông điệp có liên quan và được cá nhân hóa là xem xét những thông tin chi tiết phù hợp. Thu thập những thông tin dưới đây sẽ giúp thương hiệu thu hút và giữ chân khách hàng của mình:
Hành vi mua hàng
Hành vi duyệt web
Vị trí địa lý
Ngôn ngữ ưa thích
Kênh liên lạc ưu tiên
Thời gian hoạt động tích cực nhất trong ngày và các ngày trong tuần
Lần truy cập gần đây và tần suất
Áp dụng AI để tối ưu hóa nhanh chóng và chính xác
AI là một trong những câu trả lời chính xác cho 4 câu hỏi bắt đầu bằng W trong tương tác với khách hàng.
Ai (Who): Tập khách hàng cần được tương tác hoặc giữ chân
Cái gì (What): Loại thông tin liên lạc phải được gửi đến mỗi nhóm
Khi nào/ Ở đâu (When/ Where): Thời điểm tốt nhất để gửi thông báo này và trên kênh kỹ thuật số nào
Sử dụng AI để xác định nhóm khách hàng
Các thương hiệu phải bắt đầu tận dụng AI và máy học để thu thập thông tin chi tiết cũng như dự đoán hành vi của khách hàng. Marketer có thể chủ động xác định những khách hàng có khả năng mua hàng hoặc có nguy cơ bỏ cuộc. Dựa trên những thông tin chi tiết này, bạn có thể tạo các chiến dịch được nhắm mục tiêu để tăng doanh thu, đồng thời thu hút và giữ chân khách hàng.
Tận dụng AI để xác định giao tiếp phù hợp
Các cuộc hội thoại thông qua chatbot sử dụng AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng trải nghiệm phù hợp cho khách hàng, điều này đúng cho cả ở trong và ngoài nền tảng của bạn. Một tin nhắn gửi qua chatbot thường có ba thành phần chính:
Văn bản (dòng tiêu đề email, văn bản thông báo đẩy, v.v.),
Phương tiện (hình ảnh, video, gif, v.v.)
Kêu gọi hành động (CTA)
Các thương hiệu cần đầu tư vào AI để tối ưu hóa thông điệp với kiểm tra A/ B nghiêm ngặt và kiểm tra đa lượng biến tự động. Các marketer có thể thử nghiệm các chiến dịch và đo lường tác động đến các chỉ số chính như doanh thu hoặc người dùng đang hoạt động. Sau đó, AI có thể giúp bạn so sánh kết quả của thử nghiệm A/ B và đa lượng biến và chọn biến thể được tối ưu hóa nhất.
Đầu tư vào AI để tối ưu hóa thời gian và các kênh giao tiếp
Thời gian và kênh giao tiếp là tất cả mọi thứ khi nói đến việc truyền tải thông điệp đến khách hàng của bạn. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, các thương hiệu phải sử dụng AI để hiểu sở thích của khách hàng và tự động chọn thời điểm, kênh phù hợp nhất để có ROI cao nhất.
Kết
Không thể phủ nhận việc đặt khách hàng làm trọng tâm của mọi chiến lược tiếp thị chính là nhu cầu của thời đại.
Ranh giới giữa các thương hiệu phát triển mạnh trong thời kỳ suy thoái kinh tế này và những thương hiệu giậm chân tại chỗ đang ngày càng được xóa bỏ bằng cách áp dụng các chiến lược phù hợp để thu hút và giữ chân khách hàng, từ đó nuôi dưỡng lòng trung thành. Các thương hiệu cần bắt đầu xem xét những người dùng sẵn có, chuyển đổi khách hàng miễn phí thành khách hàng trả phí, cải thiện giá trị đơn đặt hàng trung bình, giảm thời gian gián đoạn để từ đó tối ưu hóa LTV.